Tranh cãi Sĩ_Nhiếp

Một số sử gia phong kiến chính thống, trong đó có Ngô Sĩ Liên, đánh giá rất cao Sĩ Nhiếp, gọi ông là Sĩ Vương, sánh ngang với các bậc vương giả, đồng thời coi Sĩ Nhiếp là ông tổ của Nho học ở Việt Nam. Tuy nhiên, Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục do Quốc sử quán triều Nguyễn soạn lại viết:

"Sĩ Nhiếp theo lệnh triều đình Trung Quốc phái sang làm Thái thú, không từng xưng vương bao giờ, thế mà sử cũ cũng chép riêng thành một kỷ, nay tước bỏ đi, chỉ chép thẳng công việc thời ấy để ghi lấy sự thực..."

Các sử gia hiện đại của Việt Nam, dù chính thống hay không, cũng đều thừa nhận rằng việc quá đề cao Sĩ Nhiếp và gọi ông là Sĩ Vương của Ngô Sĩ Liên là không hợp lý.

Ngô Sĩ Liên cũng cho rằng Sĩ Nhiếp là người có công khai phá Nho học ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo Việt sử lược, điều đó không chắc đã đúng. Việt sử lược viết:

"Nhà làm sử thường cho nước ta (Việt Nam) có văn học là khởi đầu từ Sĩ Nhiếp. Cái ý kiến đó có lẽ không phải. Vì rằng từ khi nhà Hán cai trị đất Giao Chỉ đến đời Sĩ Nhiếp đã được hơn 300 năm, người Giao Chỉ đã có người học hành thi đỗ hiếu liêm, mậu tài. Vậy nói rằng đến ông Sĩ Nhiếp mới có Nho học thì chẳng sai lắm ru. Hoặc giả ông ấy là một người có văn học trong khi làm quan, lo mở mang sự học hành, hay giúp đỡ những kẻ có chữ nghĩa, cho nên về sau mới được cái tiếng làm học tổ ở nước Nam, tưởng như thế thì có thể hợp lẽ hơn".

Sách Các triều đại Việt Nam của Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng viết:

Nhìn chung, các triều đại phong kiến Trung Quốc tự xem mình là "Thiên tử" coi dân Việt là "man di" nên người Việt dẫu có học hành thông thái cũng không được trọng dụng. Ngoài trường hợp Trương Trọng, mãi đến đời vua Linh Đế (168-189) cuối nhà Đông Hán, mới lại có người Việt, nhờ học giỏi, được cất nhắc làm thái thú quận Giao Chỉ. Lý Tiến dâng sớ xin cho người Giao Chỉ được bổ đi làm quân bất kỳ quận nào, kể cả ở Trung Nguyên. Nhưng Hán đế chỉ cho những người đỗ Mậu tài hoặc Hiếu liêm được làm quan trong xứ mà thôi. Lúc đó có người Giao Chỉ tên là Lý Cầm, làm lính túc vệ trong cung, khẩn thiết xin Hán đế bãi lệnh đó. Nói mãi, Hán đế mới cử một người Giao Chỉ đỗ Mậu tài đi làm quân lệnh ở Hạ Dương và một người đỗ Hiếu liêm làm quan lệnh ở Lục Hợp. Thực tế đất Âu Lạc từng có những người đỗ Mậu tài, Hiếu liêm, làm quan Nhà Hán, bác bỏ luận điểm của các nhà sử học Trung Quốc cho rằng đất Giao Chỉ từ khi Sĩ Nhiếp (187-226) sang làm thái thú vǎn hóa mới phát triển, nền giáo dục mới được mở mang là không đúng.[3]

Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần, có dựa vào Đại Việt sử ký toàn thư, viết thêm:

Năm Canh Thìn (200), một sự kiện khác đặc biệt đã xảy ra ở ngay giữa triều đình Nhà Hán. Sự kiện này gắn liền với tên tuổi của hai người. Một là Lý Tiến và hai là Lý Cầm. Lý Tiến là quan văn, được cử giữ chức thứ sử là chức trông coi toàn bộ các địa phương của nước ta lúc bấy giờ. Lý Cầm là quan võ bậc thấp, lúc ấy đang làm túc vệ là chức bảo vệ thường trực ở triều đình Nhà Hán. Hai người hoàn toàn khác nhau nhưng lại cùng họ Lý, và quan trọng hơn, cùng gắn với một sự kiện được sách Đại Việt sử ký toàn thư chép lại... Thế là nhân tài nước Việt ta được tuyển dụng tương tự như người Hán, bắt đầu từ Lý Tiến, Lý Cầm vậy. Nhà Hán hẳn nhiên chẳng vì lời tâu của Lý Tiến và Lý Cầm mà thay đổi cách tuyển dụng người, nhưng dẫu sao thì cũng đã phải buộc lòng ghi nhận. Nếu thiếu dũng khí, chẳng thể nói được những lời như Lý Tiến và Lý Cầm đã nói đâu. Sử cũ chép chuyện Trương Trọng ngay sau chuyện Lý Tiến và Lý Cầm, dẫu biết rõ Trương Trọng[4] sống sau hai nhân vật họ Lý này đến hơn 100 năm, ấy là muốn chép cho liền mạch dũng khí mà trước đó Lý Tiến và Lý Cầm đã tạo ra đó thôi.

Đưa ra nhiều tài liệu dẫn chứng, giáo sư Lê Mạnh Thát cho rằng, trong thực tế chính quyền Sĩ Nhiếp (từ 187), cũng như trước đó là Chu Phù (khoảng 180), là chính quyền Việt Nam độc lập.

Sử Trung Hoa chép rõ Chu Phù vứt điển huấn tiền thánh, bỏ pháp luật Hán gia. Còn đối với Sĩ Nhiếp, sử Hoa (Ngô chí) viết rằng: [Sĩ Nhiếp] tổ tiên vốn người Mấn Dương nước Lỗ, đến loạn Vương Mãng tị nạn Giao Châu, tới Nhiếp là sáu đời. Ông cho rằng một người có tổ tiên 6 đời ở Việt Nam thì đã "Việt Nam hóa", trở thành người Việt rồi. Cũng theo Ngô chí: Sĩ phủ quân (Sĩ Nhiếp) của Giao Chỉ học vấn đã ưu bác, lại thành công về chính trị, ở trong đại loạn, bảo toàn một quận hơn 20 năm, cương trường vô sự, dân không thất nghiệp, những bọn lệ thuộc đều được nhờ ân; Anh em Nhiếp đều là người hùng các quận, làm tướng một châu, riêng ở vạn lý, uy tôn vô thượng. Ra vào đánh chuông khánh, đầy đủ uy nghi, kèn sáo cổ xuy, xe ngựa đầy đường. Người Hồ theo sát đốt hương, thường có mấy mươi. Thê thiếp đi xe màn, tử đệ theo lính kỵ. Đương thời quý trọng, chấn phục trăm mọi. Úy Đà cũng không đủ hơn. Từ tài liệu trên, theo giáo sư Lê Mạnh Thát: Sĩ Nhiếp dẫu được đào tạo trong khuôn mẫu Trung Quốc, đã có những hành vi xa lạ với phong tục tập quán Trung Quốc. Nói rõ ra, ông đã được Việt hóa. Việc Ngô chí so sánh Sĩ Nhiếp với Triệu Đà cho thấy nền cai trị nước Việt thời bấy giờ độc lập tới mức nào. Thực tế có thể nói chính quyền độc lập đầu tiên sau chính quyền Hai Bà Trưng là chính quyền Chu Phù - Sĩ Nhiếp. Theo ông, dưới thời Sĩ Nhiếp, nước Việt đã có một nền nông nghiệp rất phát triển. Lúa Giao Chỉ mùa hè chín, nông dân một năm trồng hai lần (theo Kinh Dương dĩ nam dị vật chí). Một năm tám lứa kén tằm đến từ Nhật Nam (Văn tuyển 5 tờ 9b4). Nhiếp mỗi khi sai sứ đến Quyền đều dâng tạp hương, vải mỏng thường tới số ngàn. Món quý minh châu, sò lớn, lưu ly, lông thú, đồi mồi, sừng tê, ngà voi, các thứ vật lạ quả kỳ như chuối, dừa, long nhãn, không năm nào không đưa đến (Ngô chí 4 tờ 8b1-3 nói về những cống vật mà Sĩ Nhiếp gửi đến Tôn Quyền). Giáo sư Lê Mạnh Thát dẫn giải tiếp: Sau khi Sĩ Nhiếp chết (226), lúc ấy Tôn Quyền đã chiếm cứ phía Nam Trung Quốc để tranh hùng với Tào TháoLưu Bị, nên nhân cái chết của Sĩ Nhiếp tiến hành thôn tính nước ta, lúc đó là một nước độc lập dựa trên điển huấn và pháp luật của người Việt. Con Sĩ Nhiếp là Sĩ Huy nối nghiệp cha, chống lại Tôn Quyền, tuy nhiên do mất cảnh giác, nên đã thất bại, Sĩ Huy bị bắt và bị giết, Tôn Quyền chiếm nước ta. Nhưng do bị chống đối quyết liệt, nền cai trị của Tôn Quyền không bền vững và không lâu dài, vì chỉ 18 năm sau, Triệu Thị Trinh (Bà Triệu) cùng anh là Triệu Quốc Đạt nổi lên khởi nghĩa giành lại chính quyền.